Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Năm công bố gói kích thích trị giá hơn 17 ngàn tỷ yên (xấp xĩ 113 tỷ USD) bao gồm giảm thuế và phúc lợi cho các gia đình có thu nhập thấp, một kế hoạch bị một số nhà quan sát chỉ trích là chi tiêu dân túy sẽ làm trầm trọng thêm nợ quốc gia của Nhật Bản.

Kishida cho biết ưu tiên của ông là khắc phục tình trạng giảm phát và đưa nền kinh tế đi theo hướng tăng trưởng. Ông phát biểu trong một cuộc họp báo rằng doanh thu từ thuế sẽ chỉ tăng khi nền kinh tế phát triển và dẫn đến tình trạng tài chánh lành mạnh, đồng thời giải thích về gói được Nội các của ông thông qua trước đó trong ngày.

Chánh phủ sẽ tài trợ cho việc chi tiêu bằng cách lập ngân sách bổ sung 13,1 ngàn tỷ yên (khoản 87 tỷ USD) cho năm tài chánh hiện tại.

“Nền kinh tế Nhật Bản hiện đang trên đà thoát khỏi tình trạng giảm phát. Sẽ khó thực hiện hơn nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội này”, ông nói. “Tôi quyết tâm tăng thu nhập khả dụng, dẫn đến tăng trưởng mở rộng và tạo ra một chu kỳ tích cực.”

Kishida cho biết, việc tăng lương vẫn chưa vượt qua được lạm phát và coi đó là một thách thức chính.

Gói này bao gồm cắt giảm thuế tạm thời 40.000 yên (266 USD) mỗi người từ tháng 6 tới và 70.000 yên (465 USD) chi trả cho các gia đình có thu nhập thấp cũng như trợ cấp xăng dầu và hóa đơn điện nước.

Theo ước tính của chánh phủ, tất cả kết hợp lại, kế hoạch này ước tính sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng trung bình khoảng 1,2%.

Năm ngoái, chánh phủ của ông đã dành ngân sách bổ sung trị giá gần 30 nghìn tỷ yên (200 tỷ USD) để tài trợ cho gói kinh tế trước đó nhằm chống lạm phát.

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết tác động của gói này đối với nền kinh tế sẽ bị hạn chế vì việc cắt giảm thuế tạm thời và chi trả có xu hướng chuyển sang tiết kiệm. Ông cho biết những biện pháp như vậy sẽ không thay đổi hành vi của người tiêu dùng và sẽ có tác động hạn chế đến nền kinh tế trung và dài hạn.

Kiuchi cho biết các biện pháp mới nhất giống như “một nỗ lực nhằm làm hài lòng tất cả mọi người”. Ông nói, chánh phủ trước đó đã kêu gọi “bình thường hóa” việc tăng chi tiêu trong thời kỳ đại dịch khiến nợ chánh phủ của Nhật Bản trở nên trầm trọng hơn, nhưng gói kinh tế dường như là một sự đảo ngược chính sách nhanh chóng.

Các nhà lập pháp đối lập đã đặt câu hỏi về việc sử dụng biện pháp cắt giảm thuế như các biện pháp giảm lạm phát, một phần vì cần có thời gian để luật hóa chúng.

Akira Nagatsuma, chủ tịch nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính của Nhật Bản, cáo buộc Kishida đột ngột chuyển sang cắt giảm thuế để che đậy sự ủng hộ của ông đối với việc tăng thuế nhằm tài trợ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới, theo một chiến lược an ninh mới được thông qua vào tháng 12.

Nguồn AP